Áp suất lốp là điều quan trọng mà các bác tài cần lưu ý để đảm bảo an toàn khi lái xe và TPMS chính là “trợ thủ" đắc lực giúp kiểm soát áp suất lốp và nhiệt độ tiêu chuẩn của lốp. Vậy TPMS là gì? Công dụng, cách vận hành ra sao? Hãy cùng Bridgestone tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây.
TPMS là gì?
TPMS là hệ thống giám sát áp suất lốp giúp theo dõi áp suất không khí bên trong lốp xe ô tô. Hệ thống này được trang bị trên xe là để cảnh báo cho bạn khi có ít nhất một hoặc nhiều lốp đang bị mất áp suất, có thể gây ra mất an toàn. Chỉ số áp suất lốp thấp trên TPMS thể hiện bằng một tín hiệu màu vàng, hiển thị trên bảng đồng hồ có hình dáng mặt cắt của lốp (giống hình móng ngựa) kèm với dấu chấm than.
Chỉ số áp suất lốp thấp trên TPMS
Thời điểm trước đây khi công nghệ chưa đủ hiện đại, con người không chắc chắn áp suất như thế nào là phù hợp cho xe và đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên những tai nạn này có thể tránh được nếu người lái biết được lốp xe của mình đang có áp suất thấp.
Ngay cả hiện nay, ước tính một số lượng không nhỏ các tai nạn xảy ra trên đường mỗi ngày là do áp suất lốp thấp. Do đó, việc lựa chọn sử dụng TPMS để đảm bảo chỉ số áp suất lốp đạt chuẩn để ngăn ngừa tai nạn, giúp cho việc lái xe an toàn hơn là rất cần thiết. Hiện nay có 2 loại TPMS chính gồm TPMS trực tiếp và TPMS gián tiếp.
TPMS gián tiếp: TPMS gián tiếp là gì và hoạt động như thế nào?
Sau khi hiểu rõ về TPMS là gì, các bác tài cũng nên tìm hiểu về các loại TPMS hiện nay. Trong đó, hệ thống TPMS gián tiếp thường dựa vào các cảm biến bánh xe mà hệ thống chống khóa cứng phanh đang sử dụng. Các cảm biến này đo lường tốc độ vòng quay của mỗi bánh xe và có thể sử dụng hệ thống điện tử trên xe để so sánh các bánh với nhau, hoặc so với các thông số hoạt động khác của xe như vận tốc.
Dựa trên số vòng quay của mỗi bánh, máy tính có thể tính ra được kích thước tương đối của các lốp. Nếu có bất cứ lốp nào quay nhanh hơn bình thường, máy tính sẽ cho rằng lốp đó đang bị thiếu áp suất và từ đó cảnh báo cho người lái về lỗi TPMS.
Do đó, hệ thống giám sát áp suất lốp gián tiếp không thực sự đo lường áp suất của lốp. Đó không phải là một quá trình đo lường chỉ số áp suất bằng điện tử giống như khi bạn đo bằng áp kế. Giám sát áp suất lốp gián tiếp đơn giản là chỉ đo xem lốp xe đang quay nhanh hay chậm và gửi tín hiệu đến máy tính để cảnh báo mỗi khi có bánh xe nào đang quay khác thường.
Ưu điểm của TPMS gián tiếp
Tương đối rẻ hơn so với TPMS trực tiếp
Ít phải bảo dưỡng và cài đặt qua thời gian hơn TPMS trực tiếp
Ít bảo trì lắp đặt hơn TPMS trực tiếp
Nhược điểm của TPMS gián tiếp
Có thể không cho kết quả chính xác nếu bạn mua phải loại lốp lớn hoặc nhỏ hơn
Có thể không chính xác nếu các lốp bị mòn không đều
Phải cài đặt lại sau mỗi lần điều chỉnh áp suất từng lốp
Phải cài đặt lại mỗi lần đảo lốp
TPMS trực tiếp: TPMS trực tiếp là gì và hoạt động như thế nào?
TPMS trực tiếp sử dụng cảm biến đo lường áp suất ở mỗi lốp giúp đo các mức áp suất nhất định chứ không chỉ đo số vòng quay của bánh từ hệ thống chống bó cứng phanh.
Các cảm biến trong hệ thống TPMS trực tiếp có thể đọc được cả nhiệt độ lốp. Hệ thống sẽ gửi tất cả thông số này đến một máy kiểm soát trung tâm để phân tích, giải mã và nếu áp suất lốp thấp hơn mức cần thiết, sẽ truyền tín hiệu trực tiếp đến bảng đồng hồ và bật sáng đèn cảnh báo. Tín hiệu này sẽ cho ta biết xe đang có lỗi cảnh báo áp suất lốp. Do đó, hệ thống trực tiếp không chỉ xác định được sự khác biệt giữa các lốp trên xe và so với các xe khác mà còn đọc được các thông số áp suất khác nhau của từng lốp.
Nhiều nhà sản xuất xe sử dụng công nghệ độc quyền để tạo ra hệ thống chuyên dụng này, do đó, việc thay thế TPMS để đồng bộ và phù hợp với xe của bạn sẽ cần đến kinh nghiệm của một kỹ thuật viên lành nghề.
Ưu điểm của TPMS trực tiếp
Cho thông tin mức áp suất lốp chính xác từ bên trong lốp
Không bị tác động bởi việc đảo lốp hoặc thay lốp
Có thể được hiệu chỉnh đồng bộ lại sau mỗi lần đảo lốp hoặc thay lốp
Pin của cảm biến thường có tuổi thọ khoảng 10 năm.
Có thể được xem là một phụ tùng của xe
Nhược điểm của TPMS trực tiếp
Nhìn chung, giá thành sẽ mắc hơn TPMS gián tiếp
Dù đơn giản, việc đồng bộ lại hệ thống cần đến các dụng cụ đắt tiền.
Pin thường không tái sử dụng được, nên nếu pin bị khô thì toàn bộ cảm biến phải được thay mới.
Hệ thống độc quyền khiến việc lắp đặt, bảo dưỡng và thay thế gây nhiều phiền toái cho khách hàng và trung tâm dịch vụ.
Các cảm biến dễ hư hỏng khi lắp đặt/tháo dỡ
Áp suất lốp và an toàn
Cho dù phương pháp có thể khác nhau, cả hai hệ thống này đều cùng phục vụ chung một mục đích và kích hoạt cùng một đèn cảnh báo. Mặc dù TPMS có thể cảnh báo chính xác mỗi khi lốp không được chăm sóc đúng cách, nhưng hệ thống này cũng không thể thay cho việc kiểm tra áp suất lốp thủ công, nên bạn cần có một áp kế trong hộp dụng cụ để trên xe.
Trên đây là những thông tin về TPMS là gì cũng như giới thiệu chi tiết về các loại TPMS hiện có. Mong rằng bài viết trên sẽ giúp cho các bác tài ngăn ngừa được các tình trạng như nổ lốp bất ngờ, kéo dài tuổi thọ cho lốp xe và tiết kiệm nhiên liệu cho xe.
Xem thêm:
1. Những điều cần biết về đèn báo áp suất lốp xe TPMS